Tân Chính là một phường thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Phường có diện tích 0,37 km², dân số năm 1999 là 13689 người,[1] mật độ dân số đạt 36997 người/km².
Là một phường trung tâm trong 10 phường của Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng. Diện tích 0,37 km2. Phía Đông giáp phường Hải CHâu I, phía Tây giáp phường Chính Gián , phía Nam giáp phường Vĩnh Trung, phía Bắc giáp phường Tam Thuận. Có 08 khu dân cư với 36 Tổ dân phố.
Tân Chính là một trong những phường nằm ở trung tâm của quận Thanh Khê và thành phố Đà Nẵng, có diện tích 0,37 km2 là một trong những phường có mật độ dân số cao nhất của quận và thành phố. Là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được phát triển. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Tân Chính đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần cùng với các địa phương giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975. Từ sau khi quê hương được hoàn toàn giải phóng, cùng với nhân dân toàn thành phố Đà Nẵng, Đảng bộ và nhân dân phường bắt tay vào xây dựng quê hương, đối mặt với bao khó khăn, thách thức do hậu quả chiến tranh để lại, thiên tai thường xuyên xảy ra, những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và trên thế giới… Tân Chính hiện nay là một trong những phường trung tâm có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển về mọi mặt của quận Thanh Khê và thành phố Đà Nẵng.
- VỊ TRÍ ĐIA LÝ VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
- Vị trí địa lý
Phường Tân Chính được thành lập từ 10 năm 1975, tách ra từ khu phố Chính Gián, là một trong 10 phường của quận Thanh Khê ngày nay; phía Đông giáp phường Thạch Thang và phường Hải Châu II của quận Hải Châu, phía Tây giáp phường Chính Gián, phía Nam giáp phường Vĩnh Trung và phường Thạc Gián, phía Bắc giáp phường Tam Thuận. Phường Tân Chính cùng với Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián (quận Thanh Khê) và các phường của quận Hải Châu tạo thành khu trung tâm của thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Diện tích của phường là 0,37 km2, chiều dài theo trục Đông – Tây là 0,92 km, chiều rộng trung bình khoảng 0,60 km theo trục Bắc – Nam. Đường Lê Duẩn, một trong những đường phố chính của Đà Nẵng, chạy suốt trung tâm của phường từ Tây xuống Đông. Ngoài ra trong địa bàn phường còn có đường Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Đào Duy Từ. Phía Bắc của phường là khu Nhà Ga Đà Nẵng và 5 công ty của Tổng Công ty vận tải đường sắt. Phía Nam phường là Trung tâm thương nghiệp sầm uất (chợ Cồn).
- Quá trình phát triển
Là một phần của Đà Nẵng, mảnh đất Tân Chính ngày nay có một quá trình hình thành và phát triển theo Thành phố.
Theo thư tịch cổ, từ xa xưa Đà Nẵng thuộc đất Việt thường thị của vua Hùng. Từ năm 192 đến đầu thế kỷ XIV Đà Nẵng thuộc Vương quốc Chăm pa (thường gọi là Chiêm Thành hay Chàm). Năm 1306 vua Chăm pa là Chế Mân cắt 2 châu: Châu Ô và Châu Rí, dâng cho vua Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Từ đó vùng đất này là lãnh thổ của nước Đại Việt và năm 1307 vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu.
Năm Mậu Ngọ (1558), sau khi Nguyễn Uông bị anh rể là Trịnh Kiểm bức hại, Nguyễn Hoàng lo sợ bèn xin với vua Lê Anh Tông vào trấn thủ đất Thuận – Hóa (Thuận Châu và Hóa Châu) từ đèo Ngang vào đến Quảng Nam ngày nay. Vùng đất hoang vu từ đèo Hải Vân đến bờ sông Hàn được các chúa Nguyễn chiêu dân lập ấp, khai phá, mặc dầu cửa sống Hàn trước đó cùng với Hội An đã trở thành “Đại Chiêm hải khẩu” của Vương quốc Chăm pa. Mảnh đất Tân Chính và các phường lân cận ngày nay dần dần được hình thành dưới cái tên là xã Thạc Gián.
Cuộc sống đang định hình và từng bước phát triển thì ngày 01 tháng 9 năm 1858, tàu chiến Pháp nã súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta.
Sau khi vua quan nhà Nguyễn ký Hiệp ước Pa-tờ- nốt (Patenotre) ngày 06 tháng 6 năm 1884 đầu hàng Pháp, chúng chia nước ta thành 3 kỳ với 3 chế độ cai trị khác nhau: Nam Kỳ – thuộc địa, Trung Kỳ – bảo hộ và Bắc Kỳ – tự trị. Đến năm 1888 thực dân Pháp buộc triều đình Huế phải nhượng đứt cho Pháp 3 Thành phố”: Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng làm đất “Nhượng địa”. Theo đạo dụ vua Đồng Khánh ký ngày 27 năm 8 (Mậu Tý – tức ngày 03 tháng 10 năm 1899) thì “Nhượng địa” Đà Nẵng rộng 10 ha gồm khu Ngũ xã: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên.
Năm 1901 thực dân Pháp lại ép vua Thành Thái ký “Đạo dụ Canh tý” nhượng tiếp 8 xã của huyện Hòa Vang là Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê, Hà Khê, An Khê và 6 xã của huyện Diên Phước gồm Mỹ Khê, An Hải, Tân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên sát nhập vào Đà Nẵng. Như vậy “Nhượng địa” Đà Nẵng từ đây vươn ra cả phía Tây, phía Đông, ôm trọn sông Hàn và Vũng Thùng. Người dân ở đây không còn là dân của triều đình, nhưng cũng không phải là công dân Pháp (Ciloyen Franscais) như dân ở Nam Kỳ mà chỉ là “Người thuộc về dân Pháp” (Sujet Franscais). Chế độ cai trị của Pháp ở đây cũng khác: Đứng đầu bộ máy cai trị là một viên Đốc lý (Prcésident maire) do toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ. Tư vấn cho Đốc lý là một Hội đồng Thành phố (commission municipale) có 6 người. Nhưng dưới Thành phố người Pháp lại giữ nguyên các Tổng (có Chánh tổng, Phó tổng) và các xã (có Lý trưởng, Phó lý, Ngũ hương) như hệ thống chính quyền của Nam triều.
Tuy về mặt địa lý Tân Chính ngày nay thuộc xã Thạc Gián, nhưng thực ra mảnh đất này lúc đó phần lớn là đầm lầy, lau lách và cồn cát, dân cư rất thưa thớt. Mãi đến năm 1905 khi Pháp khánh thành đường tàu lửa Đà Nẵng – Đông Hà và nhà ga Đà Nẵng (trước đây gọi là Xa Luân) thì xung quanh nhà ga và vùng phụ cận mới có nhà cửa và dân ở. Như vậy, những cư dân đầu tiên của Tân Chính là các xóm trại công nhân và gia đình công nhân đường sắt. Sau năm 1905, Pháp tiến hành xây dựng đường sắt Đà Nẵng – Sài Gòn (hoàn thành năm 1936) và sân bay Đà Nẵng (hoàn thành năm 1928) đã thu hút nhiều dân cư nơi khác đến định cư để buôn bán, dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các khu dân cư dần dần hình thành từ đấy.
Sau cách mạng tháng Tám, Đà Nẵng là đơn vị hành chính thuộc Ủy ban Hành chính Trung Bộ, các xã thuộc Ủy ban hành chính Thành phố. Đến tháng 3 năm 1946 Đà Nẵng được chia thành 7 khu phố: Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Phan Thanh, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Vùng đất Tân Chính nằm trong xã Thạc Gián thuộc khu Phan Thanh. Mỗi khu phố có Ủy ban hành chính khu phố. Chủ tịch đầu tiên của khu Phan Thanh là ông Nguyễn Ngọc Kỉnh (người xóm Trung Hòa thuộc Vĩnh Trung ngày nay).
Tháng 12 năm 1946, do nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Đà Nẵng nhập với tỉnh Quảng Nam, gọi là Liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đà Nẵng được chia lại thành 3 khu: Khu Tây, khu Trung và khu Đông. Khu phố Phan Thanh cùng với khu phố Phan Đăng Lưu và khu phố Trần Phú hình thành khu Trung.
Tháng 9 năm 1949, do vị trí đặc biệt của Đà Nẵng trong kháng chiến, Đà Nẵng được tách khỏi Quảng Nam và trực thuộc Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu V, 3 khu phố của khu Trung được tái lập như năm 1946. Năm 1952, Đà Nẵng lại nhập vào Quảng Nam, khu Trung được tái lập và giữ mãi cho đến tháng 7 năm 1954.
Sau Hiệp định Genève, đất nước tạm chia làm 2 miền, Đà Nẵng nằm trong sự quản lý của đối phương. Cũng vào thời điểm này, do một số lượng lớn của đồng bào miền Bắc (chủ yếu là ở huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Bình) di cư vào và đồng bào các huyện trong tỉnh vào Đà Nẵng làm ăn, nên dân cư ở khu vực Tân Chính ngày càng tăng lên. Năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn đặt Đà Nẵng là một đơn vị hành chính trực thuộc ngụy quyền Trung ương và chúng chia Thành phố thành 3 quận: Quận Nhất, quận Nhì và quận Ba. Dưới quận là xã. Tân Chính nằm trong xã Thạc Gián thuộc quận Nhì. Vào thời điểm này đã hình thành các địa danh: Tân Ninh, Tân An và Chính Trạch. Nhưng chỉ Tân Ninh và Tân An thuộc xã Thạc Gián, còn Chính Trạch (bao gồm khu phố Chính Trạch thuộc Tân Chính và khối phố Tam Giác của Chính Gián ngày nay) là một đặc khu trực thuộc Tòa Giám mục Đà Nẵng cai quản.
Đầu năm 1972, Tòa Thị chính Đà Nẵng quyết định chia xã Thạc Gián thành 4 khu phố, trong đó có khu phố Chính Gián bao gồm phường Chính Gián, phường Tân Chính và một phần phường Tam Thuận ngày nay.
Sau khi giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975, chính quyền cách mạng vẫn giữ địa giới hành chính các quận như cũ, nhưng giai đoạn quân quản dưới quận là khu phố. Khu phố Chính Gián vẫn giữ nguyên địa giới hành chính như cũ. Dưới khu phố còn có khối phố với đầy đủ bộ máy như ở khu phố. Cuối năm 1975, theo chủ trương chung của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, giải thể đơn vị hành chính khối phố và thành lập các phường trực thuộc quận. Bốn khối phố như Tân Ninh A, Tân Ninh B, Chính Trạch và Tân An B được tách ra khỏi khu phố Chính Gián để thành lập phường Tân Chính[1] thuộc quận Nhì, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tháng 4 năm 1978, thành lập đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh, cấp quận giải thể, phường Tân Chính là một trong 28 phường trực thuộc thành phố Đà Nẵng (cũ).
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX vào tháng 11 năm 1996 đã thông qua Nghị quyết “Về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”. Theo đó, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngày 23 tháng 01 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 07/1997/NĐ-CP về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng có 05 quận là: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và 02 huyện là: Hòa Vang, Hoàng Sa. Quận Thanh Khê được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích đất của quận Nhì cũ. Phường Tân Chính là một trong 8 phường của quận Thanh Khê[2]. Ngày 05 tháng 8 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2005/NĐ-CP “về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập phường, xã thuộc quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang; thành lập quận Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng” Theo đó, tách phường Thanh Lộc Đán thành hai phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây và thành lập phường Hòa Khê. Hiện nay, quận Thanh Khê có 10 phường: Vĩnh Trung, Tam Thuận, Tân Chính, Chính Gián, Thạc Gián, Xuân Hà, An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây.
- DÂN CƯ
Theo số liệu của Tòa đốc lý Đà Nẵng để lại, năm 1906 dân số Đà Nẵng chỉ mới có 9.892 người, gồm 9.000 người Việt, 400 người Âu, 450 người Hoa, 24 người Ấn và 18 người Nhật. Xã Thạc Gián (bao gồm cả vùng đất Tân Chính ngày nay) dân cư rất thưa thớt, từ chợ Cồn đến đường Quốc lộ số 1 chỉ là những nổng cát, đầm lầy và đồng ruộng.
Năm 1945, cuộc điều tra dân số đầu tiên để phục vụ cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc Hội khóa I, dân số Đà Nẵng có 32.000 người, cả xã Thạc Gián cũ ước có 1.500 người.
Cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam sau tháng 7 năm 1954, tiếp sau đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng ác liệt kéo dài 21 năm. Với chính sách hủy diệt, lập vành đai trắng bảo vệ căn cứ Đà Nẵng, địch đẩy một bộ phận khá đông dân cư ở Quảng Nam và một số nơi khác đến Đà Nẵng. Năm 1968, cuộc tập kích chiến lược xuân Mậu Thân vào các thành phố thị xã, ta làm chủ thành phố Huế hơn 1 tháng, địch bắt một số khá đông đồng bào Thừa Thiên – Huế di tản vào Đà Nẵng. Năm 1972, ta mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị, địch tiếp tục di tản số đông đồng bào Quảng Trị vào Đà Nẵng. Trong bối cảnh chung đó, cư dân trên đất Tân Chính tăng cơ học một cách nhanh chóng, dân gốc trước tháng 7 năm 1954 chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4 năm 1975), số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ chiến khu xuống, cán bộ miền Bắc được tăng cường vào, cán bộ và gia đình cán bộ tập kết ở miền Bắc trở về,… nên dân số không chỉ tăng về số lượng mà cả chất lượng, cơ cấu dân cư cũng có nhiều thay đổi cơ bản.
Dân số của phường gồm 3193 hộ với 15.553 người trong đó nữ chiếm 51%; mật độ dân số là 45.774 người/km2 là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất quận và thành phố.
Đại đa số người dân của phường là dân tộc Kinh, còn có các dân tộc Hoa, Mường.
Trên địa bàn phường có 4 tôn giáo: Đạo Phật giáo là tôn giáo có từ lâu đời ở nước ta, gắn với dân tộc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. trên địa bàn phường có Chùa Tân An của đạo Phật được xây dựng từ năm 1964. Đạo Thiên chúa giáo đến Đà Nẵng từ năm 1915, năm 1923 đã có nhà thờ Chánh Tòa, nhưng hầu như ở xã Thạc Gián nói chung, ở vùng đất Tân Chính nói riêng, trước năm 1954 chưa có người theo đạo Thiên chúa giáo. Từ tháng 7 năm 1954, giáo dân ở miền Bắc (chủ yếu là ở huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình) di cư vào, sinh cơ lập nghiệp ở đây, xây nhà thờ và hình thành Giáo xứ Chính Trạch)[3]. Đạo Tin lành vào Đà Nẵng từ năm 1911, Nhà thờ Tin Lành ở số 190 đường Ông Ích Khiêm ngày nay là cơ sở thờ tự đầu tiên của đạo Tin Lành. Trải qua nhiều lần cải tạo, xây dựng, ngày nay Nhà thờ này là một cơ sở lớn nhất toàn quốc. Đạo Cao đài được gia nhập vào Đà Nẵng từ năm 1938. Hiện nay giáo dân Cao đài (phái Tây Ninh) trong phường giáo dân chủ yếu tu tại gia, không có cơ sở thờ tự.
III. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI
- Về kinh tế
Từ xa xưa, nhân dân sống ở vùng đất này chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ và dịch vụ, một số hộ ở Tân An làm nghề thợ rèn, một số sống ven hồ bèo làm nghề trồng rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ sau ngày giải phóng đến nay dân cư càng ngày càng đông đúc, kinh tế càng phát triển sầm uất, nhất là khi đường Lê Duẩn, đường Hải Phòng và đường Đào Duy Từ được nâng cấp, mở rộng. Vì vậy, cơ cấu kinh tế của phương hiện nay là thương mại – dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó:
- Thương mại – dịch vụ, khởi sắc và sầm uất nhất là đường Lê Duẩn và đường Ông ích Khiêm, ở đây có những công ty, doanh nghiệp lớn mở chi nhánh kinh doanh, buôn bán và các cơ sở dịch vụ, ngân hàng…
- Tiểu thủ công nghiệp với nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng.
- Về giáo dục
Trước giải phóng trên địa bàn phường có 4 cơ sở giáo dục: trường Hòa Bình của Thiên chúa giáo (nay là cơ sở II của trường Tiểu học Trần Cao Vân) và trường Tin lành (nay là cơ sở I trường Tiểu học Trần Cao Vân), trường Ánh Sáng (trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi ngày nay) và trường Bắc Bình Vương (nằm ở khu vực xí nghiệp Toa xe lửa ngày nay).
Hiện nay, trên địa bàn phường có trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, trường Tiểu học Trần Cao Vân và trường Mầm non Cẩm Nhung và nhiều cơ sở, nhóm trẻ tư thục; trường Tiểu học Trần Cao Vân và trường Mần non Cẩm Nhung là một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt của quận.
Đặc biệt, phường đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 1993, Trung học cơ sở năm 1996, xóa mù chữ đến người cuối cùng năm 2002 và tháng 6 năm 2003, Tân Chính là phường đầu tiên của quận Thanh Khê đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc trung học.
- Về văn hóa – xã hội
Tân Chính là “đất mới”, hình thành chưa đầy 100 năm, nên các di tích lịch sử, di tích văn hóa chưa có gì. Trong phường có 2 di tích lịch sử đã được gắn bảng. Đó là Nhà số 16 đường Hoàng Hoa Thám; tháng 12 năm 1946 nơi đây là Sở Chỉ huy của Trung đoàn 96 chỉ huy bộ đội phối hợp với dân quân tự vệ địa phương và của Sở hỏa xa chiến đấu chống lại bước tiến của giặc Pháp xâm lược và Ga Đà Nẵng năm 1930 nơi đây đã thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương Đề pô xe lửa[4], là một trong 3 Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đà Nẵng có khoảng 50 con đường có tên và được trải nhựa, trong đó có 3 đường là đường Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám thuộc phường Tân Chính ngày nay. Hiện nay, cùng với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường chính trên địa bàn phường của thành phố, quận đầu tư mở rộng, nâng cấp bê tông hóa, cống thoát nước, điện chiếu sáng 100% kiệt hẻm trong khu dân cư; 100% hộ dân có điện sinh hoạt, được dùng nước sạch, có phương tiện nghe hoặc nghe nhìn.
[1] “Tân Chính” là do từ “Tân” trong Tân Ninh, Tân An và từ “Chính” trong Chính Trạch mà hình thành. Như vậy địa danh “Tân Chính” mới xuất hiện từ cuối năm 1975.
[2] Gồm: Vĩnh Trung, Tam Thuận, Tân Chính, Chính Gián, Thạc Gián, Xuân Hà, An Khê, Thanh Lộc Đán.
[3] [3] Địa danh “Chính Trạch” có xuất xứ như sau: Năm 1954 phần lớn đồng bào Quảng Binh di cư vào đây là người của xã Trung Chính, huyện Quảng Trạch. Đồng bào lấy tên xã và tên huyện ghép lại thành Chính Trạch.
Nhà thờ Chính Trạch được khởi công xây dựng từ tháng 8 và hoàn thành ngày 01/9/1954.
[4] Đề pô xe lửa: xưởng sửa chữa đầu máy và toa xe