Những câu chuyện về CHUYỂN ĐỔI SỐ – Câu chuyện 14: Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 25.000 doanh nghiệp với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ giao nhận vận tải khác nhau.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chính thức là 5.445 doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hoạt động với loại hình kinh doanh là doanh nghiệp cổ phần, chiếm khoảng 77,8%.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế với hình thức vận tải kết hợp đa phương thức như vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải đường hàng không và đường sắt. Sự kết hợp của các phương thức vận tải sẽ tạo ra một chuỗi vận chuyển, tích hợp ưu thế của từng phương thức được sử dụng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi, … cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoặc mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai hải quan và dịch vụ xe tải, một số có thực hiện dịch vụ kho bãi, …
Trước sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Hoạt động này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng COVID-19 xuất hiện. Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công các giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan, như:
– Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kiểm soát lô hàng, quản lý chuỗi cung ứng, … Trong hoạt động này, việc sử dụng công cụ Big Data để biết những phương thức vận tải và hãng tàu nào có thể được sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận cho một điểm đến cụ thể trong khi vẫn đáp ứng thời gian giao hàng và để xem xét trong một thời gian cụ thể, trong một mùa nhất định của năm, đến một địa điểm cụ thể, trong điều kiện thời tiết nhất định có thể ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.
– Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào việc theo dõi hoạt động của các phương tiện vận tải. Công nghệ cung cấp giám sát máy móc tàu thuyền và giám sát điều kiện của container lạnh. Các doanh nghiệp ứng dụng IoT cho hay, khi ứng dụng IoT vào quy trình vận hành việc quản lý sẽ trở nên vô cùng đơn giản.
– Ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý lực lượng lao động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với các trung tâm dịch vụ điện tử, phân bổ lại năng lực động, bảo trì dự đoán, … AI có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành các khâu của doanh nghiệp như: 36 kiểm tra chất lượng khung năng lực của doanh nghiệp; kiểm soát chất lượng nhân viên; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
– Ứng dụng chuyển đổi số trong thiết kế và sản xuất phương tiện vận tải, sắp xếp và kiểm soát các hoạt động liên quan tới lựa chọn phương tiện, nhà cung cấp phù hợp và di chuyển hàng ra…
Kết quả của việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp; thay đổi sự trì trệ, rút ngắn thời gian của các khâu vận hành. Nếu như trước kia, khi vận hành dịch vụ theo cách truyền thống, các doanh nghiệp đều nhận thấy được rằng mình phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn làm giảm lợi nhuận, thì khi sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ số hóa vào các khâu vận hành đã giúp 77,8% các doanh nghiệp có thể tối thiểu hóa chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, do công nghệ ngày càng đổi mới, phát triển không ngừng, và ngày càng trở thành một yếu tố không thể thiếu. Do vậy việc quá trình thích ứng và đáp ứng về công nghệ là khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội.
Tiếp đến là khó khăn về số hóa tài liệu và quy trình, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức độ số hóa, tức là chuyển dữ liệu hoạt động sang dạng lưu trữ điện tử chứ chưa có sự kết nối và khả năng tra cứu số liệu cũng như xử lý đơn hàng trên nền tảng trực tuyến. Hơn nữa, việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistic Việt Nam, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistic cần thêm 18.000 lao động. Ngoài ra, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội chưa có các developer (kỹ sư máy tính, lập trình viên, …) nên chủ yếu sử dụng các chuyên gia dữ liệu, nên chưa theo kịp quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải. Cuối cùng, các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế để đáp ứng thỏa mãn khách hàng về chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh của nhu cầu xuất nhập khẩu.
Với một thị trường mở cửa hoàn toàn, có rất nhiều những doanh nghiệp nước ngoài đã tiến vào, mở rộng mạng lưới đầu tư vào nước ta, thu hút một lượng khách hàng là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có lượng hàng giao dịch lớn về với họ. Chính vì thế, chuyển đổi số mang đến cho doanh nghiệp logistic những lợi ích từ những cơ hội lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà tăng trưởng, có thêm nhiều khách hàng, những đơn hàng lớn và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
(Theo: Đoàn Ngọc Ninh & Nguyễn Thị Quyên, tapchicongthuong.vn; ngày 03/5/2021)