Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất ở Việt Nam, nên việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc qua các con đường xuất khẩu truyền thống, không phải là chuyện khó khăn đối với công ty này.
Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn vẫn luôn tích cực tìm kiếm những con đường khác, mới mẻ hơn để thâm nhập vào thị trường rộng lớn này. Vì vậy, Vĩnh Hoàn đã nhanh chóng tiếp cận với thương mại điện tử, cụ thể là đưa các sản phẩm cá tra chế biến lên sàn Alibaba. Chỉ trong thời gian ngắn, giá trị cá tra của Vĩnh Hoàn giao dịch qua sàn Alibaba đã đạt khoảng 3 triệu USD. So với giá trị cá tra xuất khẩu của Vĩnh Hoàn, thì đây chỉ là con số nhỏ. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc qua thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết: “ Công ty xác định đây là kênh quan trọng không chỉ cho bán hàng mà còn để quảng bá thương hiệu. Bởi người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua sàn thương mại điện tử thường là giới có thu nhập khá, có hiểu biết và tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm đã được quảng bá, giao dịch trên sàn thương mại điện tử”.
Không chỉ Vĩnh Hoàn, hàng chục doanh nghiệp cá tra khác cũng đã thông qua sàn Alibaba để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Đến cuối năm 2019, đã có 2.987 sản phẩm cá tra Việt Nam được chào bán trên sàn Alibaba, với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng như cá tra xẻ bướm, cá tra philê, cá tra philê đông lạnh, cá tra philê cấp đông, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra bỏ đầu đuôi, da cá tra sấy khô…
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong các kênh phân phối hàng hóa ở Trung Quốc, thương mại điện tử là kênh phân phối đang phát triển mạnh. Trong đó, thủy hải sản thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua online nhiều trên các website.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba từ mấy năm nay. Người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng, khi hàng hóa có trên các trang thương mại điện tử thì doanh nghiệp đã có cam kết về chất lượng. Vì thế, thương mại điện tử có thể là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này.
Không những thế, thương mại điện tử còn góp phần không nhỏ để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến sang Trung Quốc.
Là một nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, Trung Quốc có ngành công nghiệp chế biến thủy sản rất mạnh. Do đó, trước đây, họ gần như chỉ nhập cá tra nguyên 42 con của Việt Nam về để chế biến ra các sản phẩm từ cá tra. Và cá tra nguyên con của Việt Nam cũng chỉ đến được các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Gần đây, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã thuyết phục được khách hàng Trung Quốc mua cả các sản phẩm chế biến, nhất là cá tra philê. Hiện cá tra philê đã thâm nhập được vào nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên… Một trong những kênh quan trọng để cá tra philê tới được những thành phố lớn và cách xa biên giới Việt Nam, chính là thương mại điện tử.
Không chỉ cá tra, một số mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam cũng đang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua thương mại điện tử, như tôm đông lạnh, tôm sấy khô, cá ngừ đại dương, cá ngừ đóng hộp… Điều này cho thấy thương mại điện tử đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp thủy sản lựa chọn để có thêm một kênh xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Đây là hướng đi mà những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và nhiều công ty khác ở đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh thực hiện và đã gặt hái thành công trên một thị trường có sức mua lớn, nhưng cũng đầy cạnh tranh như thị trường Trung Quốc.
Thương mại điện tử, một trong những bộ phận hợp thành của nền kinh tế số, là kênh kinh doanh tạo ra nhiều cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam đã qua chế biến thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp Việt Nam thu được lợi nhuận nhiều hơn so với việc xuất khẩu nguyên liệu thô để Trung Quốc chế biến như trước đây.
(Theo: Sơn Trang & Minh Sáng, báo Nông Nghiệp, ngày 14/11/2019)