(TN&MT) – Ngày 10/8, UBND quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) tổ chức “Ngày hội xanh: Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn – Chống rác thải nhựa” với nhiều hoạt động sôi nổi như: trang trí gian hàng và trưng bày sản phẩm tái chế; thi tìm hiểu kiến thức về môi trường; thi thời trang tái chế; thu đổi rác tài nguyên…
Tại ngày hội, mỗi phường có 1 gian hàng để trưng bày các sản phẩm tái chế và tiến hành thu đổi chất thải rắn sinh hoạt tái chế cho người dân. Ngoài ra còn có 1 gian hàng thu gom chất thải rắn sinh hoạt nguy hại nhằm triển lãm, tuyên truyền về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt nguy hại, cách nhận biết và hướng dẫn thực hành các giải pháp 3R đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh tại hộ gia đình; đồng thời thu đổi các chất thải rắn nguy hại từ hộ gia đình.
Hiện nay, mỗi ngày, TP. Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt với tỷ lệ gia tăng trung bình 8 -10%/năm, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt trên 1.800 tấn/ngày. Trong đó, hơn 90% CTRSH thu gom được đều xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chỉ có một lượng nhỏ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại để tái chế, tái sử dụng.
Ông Lê Trung Minh Tân – Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, Sau 10 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng Thành phố môi trường, Đà Nẵng đã đạt được 7/10 tiêu chí đã đề ra. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển “nóng” đang khiến cho thành phố phải đối diện với nhiều bất cập. Một trong những khâu trọng yếu được thành phố xác định chính là công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, vấn đề sử dụng túi nilon khó phân hủy và rác thải nhựa. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp và tăng hiệu quả tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm dần tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20% đến năm 2025. Để làm được điều này, khâu đầu tiên là phải thực hiện tốt phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.
Trong thời gian qua, UBND quận Thanh Khê cũng đã có nhiều hoạt động phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa như dùng túi nilon thân thiện môi trường tại các chợ trên địa bàn quận, thu đổi rác tài nguyên tại các phường, triển khai dự án phân loại rác tại nguồn tại 2/10 phường… Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức người dân cũng như góp phần hoàn thành kế hoạch thành phố đề ra.
Nguồn: Báo Tài Nguyên – Môi trường