Những câu chuyện về CHUYỂN ĐỔI SỐ – Câu chuyện 13: Câu chuyện chuyển đổi số tại một công ty bảo hiểm
Bà Đỗ Thị Kim Liên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần bảo hiểm AAA, một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số từ rất sớm.
Sau tám năm làm việc tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, bà Liên sáng lập Công ty cổ phần bảo hiểm AAA vào năm 2005 và trở thành vị lãnh đạo cao nhất của công ty này.
Vào thời điểm chưa có nhiều người hiểu biết về tầm quan trọng của công nghệ, thì bà Đỗ Thị Kim Liên đã bỏ ra 5 triệu USD mua phần mềm của một công ty Ấn Độ, rồi chuyển ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt để ứng dụng vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
Bà Liên cho biết: “T ôi phải trả giá nhiều về dư luận. Các cổ đông trong công ty nói tôi không bình thường nhưng tôi nhìn thấy công nghệ có giá trị lớn như thế nào để quản trị cho doanh nghiệp và đem đến sự công bằng cho khách hàng. Trong kinh doanh cần sự công bằng giữa người bán và người mua nên từ năm đó tôi đã dùng công nghệ giúp quản trị công ty tốt”.
Từ việc ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp vào 15 năm trước và mang lại những thành công to lớn cho Công ty cổ phần bảo hiểm AAA, bà Liên chuyển sang khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số.
“ Nếu tôi không chuyển đổi số thì có nghĩa tôi sẽ bị tụt hậu và tôi không phải công dân và doanh nghiệp số khi Chính phủ quyết liệt hướng đến chính phủ số”, bà Liên nói.
Bà Liên cũng nhấn mạnh, chìa khóa cho chuyển đổi số ngành bảo hiểm mà bà đã theo đuổi trong suốt 30 năm qua chính là sự minh bạch. Công nghệ sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn. Bà cho biết đã ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, quản trị của doanh nghiệp. Bà Liên cho hay: “ Với hơn 30 năm trong ngành, tôi thấy nếu muốn tiếp tục tồn tại, bắt buộc phải có chuyển đổi số. Nó có khó khăn, nó có phải thách thức đến cỡ nào thì buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Nếu đồng lòng, quyết tâm thì sẽ làm được”.
Theo bà Liên, điều quan trọng trong việc chuyển đổi số nằm ở tư duy và nhận thức nhưng đến nay nhiều người vẫn chần chừ hoặc mang trong mình một nỗi sợ nào đấy mà không dám ứng dụng công nghệ.
Theo bà: Công nghệ giúp doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Vi dụ: Trong khi phần lớn các công ty bảo hiểm ở Việt Nam vẫn dùng con người để thẩm định và chi trả hồ sơ bồi thường, một việc làm có thể mất thời gian hàng tháng trời, khiến cho khách hàng gặp phiền phức và dần dần rời bỏ doanh nghiệp, thì việc ứng dụng công 34 nghệ trong quản lý và chi trả bảo hiểm, với quy trình thẩm định, kiểm tra, đối chứng được công nghệ hỗ trợ đã mang lại tính chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Vì vậy, việc chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng được thực hiện một cách nhanh chóng. Đó là lý do lượng khách hàng truyền thống của AAA không mất đi, trong khi lại gia tăng lượng khách hàng tiềm năng từ các doanh nghiệp bảo hiểm khác.
Bà Liên nói: “ Công nghệ giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề, nó dễ dàng như vậy mà tại sao chúng ta không tiếp cận, chúng ta sợ? Nếu thế thì tôi nghĩ là chúng ta không bình thường”.
Theo bà Liên, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt trong câu chuyện chuyển đổi số. Đi kèm với chính phủ số là công dân số và doanh nghiệp số.
Bà nói: “ Tôi tin rằng với chính phủ số mà Việt Nam đang hướng tới, thành công nằm trong tầm tay. Chỉ cần các bạn trẻ quyết tâm thì sẽ làm được những điều thế giới làm được. Việt Nam đã xuất khẩu được các phần mềm hoặc có các công nghệ khiến thế giới cũng rất nể, đó là điều rất tự hào”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên còn là người đã đảm nhiệm vị trí trí giám khảo của chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỉ), một chương trình khởi nghiệp có sự tham gia của nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ đến công nghệ. Một trong hai tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn startup để đầu tư của khi bà Đỗ Thị Kim Liên làm giám khảo của Shark Tank là ưu tiên cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoặc sử dụng công nghệ trong kinh doanh, bên cạnh các startup cung cấp giải pháp hướng đến môi trường.
Trong câu chuyện chuyển đổi số của Công ty cổ phần bảo hiểm AAA, cuối cùng vẫn là con người, vì con người viết ra phần mềm và con người sử dụng phần mềm đó để phục vụ cuộc sống của con người. Người dẫn đường phải cương quyết thực hiện và đề ra chiến lược chuyển đổi số đúng đắn. Nếu dẫn đường không đúng thì phải trả giá. Nhưng nếu chần chừ không mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số thì sẽ bị tụt hậu, và thậm chí sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc đua đến sự phát triển.
(Theo: Quỳnh Chi, theleader.vn; ngày 16/07/2021)
Câu chuyện kỳ trước: Manulife Vietnam ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số ngành bảo hiểm nhân thọ